Thành công của một blog/website là kết quả tổng hợp từ rất nhiều yếu tố, trong đó, nội dung và chất lượng dịch vụ luôn đứng hàng đầu. Ngoài ra, tốc độ là một yếu tố rất quan trọng mà bất kỳ webmaster nào cũng phải quan tâm. Nếu bạn đang sử dụng WordPress làm blog/website, xin chúc mừng vì bạn đã chọn được một nền tảng tuyệt vời. Và nếu bạn đang tự hỏi, làm thế nào để tăng tốc WordPress toàn diện? Bài viết này sẽ giúp bạn có câu trả lời.
1. Chỉ sử dụng những plugin cần thiết
Plugin giúp WordPress trở nên mạnh mẽ và tuyệt vời hơn, nhưng chính nó cũng biến site WordPress của bạn ngày một “béo phì” và nặng nề. Bởi mỗi plugin dù ít dù nhiều cũng kéo thêm vài query, một vài file js và css. Do vậy, chỉ nên sử dụng những plugin thật cần thiết. Cái nào không cần thì xóa bỏ cho nhẹ, hoặc có cái cài vào dùng 1 lần xong xóa luôn. Ví dụ, plugin Regenerate Thumbnails giúp bạn chỉnh lại kích thước ảnh thumbnails khi đổi theme.
Ngoài ra, có nhiều plugin gộp khá nhiều tính năng vào nhưng ta chỉ cần dùng một tính năng trong đó. Giải pháp là tìm một plugin khác có tính năng tương tự để thay thế. Hoặc ngược lại, dùng 1 plugin với nhiều tính năng để thay thế cho nhiều plugin khác. Ví dụ, mình đang dùng plugin SEO Auto Links & Related Posts vừa tạo liên kết nội bộ theo từ khóa, vừa tạo related post. Bạn cũng nên dùng plugin P3 (Plugin Performance Profiler) để xem plugin nào đang ngốn tài nguyên nhất, từ đó bỏ đi hoặc tìm giải pháp thay thế tốt hơn. Và cũng đừng quên bỏ cái plugin P3 này đi sau khi bạn tối ưu website xong.
2. Theme càng nhẹ càng tốt
Theme nhẹ chứa ít js và css giúp trang web của bạn tải nhanh hơn, hiển thị nhanh hơn. Theo kinh nghiệm của mình, các bạn nên sử dụng các theme framework như Genesis, Thesis, Headway kết hợp child theme bởi những framework này không chỉ rất nhẹ, mà còn đặc biết tối ưu SEO onpage. Với mình, Genesis Framework là lựa chọn hàng đầu bởi rất nhiều lý do đã được mình đề cập trong bài viết Genesis Framework – lựa chọn tuyệt vời cho website của bạn.
Ai làm website cũng muốn có một giao diện đẹp mắt để thu hút người đọc, khách hàng. Và có những theme bạn rất thích, rất đẹp, nhưng lại chẳng nhẹ chút nào? Từ bỏ và lựa chọn cái khác? Đó là một cách nhưng chắc hẳn bạn không muốn rồi.
3. Tăng tốc WordPress sử dụng nén với Gzip
Gzip là một giải pháp tuyệt vời giúp nén tất cả những file HTML, js, css, xml, json…giúp tiết kiệm băng thông, từ đó giúp tăng tốc website WordPress của bạn. Vậy bật nén Gzip như thế nào? Cách đơn giản nhất là chỉnh sửa ở file .htaccess
a. Đối với Apache
Ta sử dụng module mod_deflate (áp dụng cho Apache 2.x) như sau:
<ifModule mod_deflate.c>
AddOutputFilterByType DEFLATE text/html text/plain text/xml application/xml application/xhtml+xml text/css text/javascript application/javascript application/x-javascript
</ifModule>
b. Đối với Nginx
Thêm đoạn mã sau vào file .htaccess
server {
gzip on;
gzip_types text/html text/css application/x-javascript text/plain text/xml image/x-icon;
}
4. Tăng tốc WordPress với plugin tạo bộ nhớ đệm
Trong những phương pháp tăng tốc WordPress thì không thể thiếu bước này, bởi nó sẽ giúp bạn giảm gánh nặng cho máy chủ cũng như thời gian tải trang. Vậy điều đó đạt được do đâu? Các bạn cũng biết, mỗi khi có request gửi tới, máy chủ sẽ xử lý và gửi trả về nội dung HTML tương ứng, và những plugin này có nhiệm vụ lưu những dữ liệu đó thành nội dung tĩnh HTML trên ổ cứng host. Sau đó, mỗi khi có truy vấn thích hợp, dữ liệu đó được lấy ra từ cache (bộ nhớ đệm) và gửi trả về cho trình duyệt mà không cần máy chủ xử lý lần nữa.
Có rất nhiều plugin tạo bộ nhớ đệm giúp tăng tốc WordPress, nhưng mình khuyên các bạn chỉ sử dụng một plugin cache duy nhất và có hai lựa chọn tuyệt vời ở đây là W3 Total Cache và WP Super Cache. WP Supper Cache dễ sử dụng và hiệu quả nó mang lại rất tuyệt vời. W3 Total Cache có nhiều lựa chọn cài đặt và tính năng hơn Super Cache. Bạn có thể xem lượng download của hai plugin này trên trang WordPress.Org để thấy mức độ phổ biến của chúng thế nào.
5. Tối ưu hóa các file CSS và Javascript
Website load không chỉ có HTML, mà có cả những file CSS và javascript, hình ảnh. Thông thường, website của bạn sẽ có khá nhiều file CSS và JS tùy thuộc vào số lượng plugin bạn cài, theme bạn đang dùng. Mỗi file đó sẽ làm site của bạn bị chậm đi. Ở đây mình xin đưa ra một số giải pháp được nhiều người áp dụng để tối ưu cho những file đó như sau.
a. Minify
Minify sẽ giúp nén tất cả thành 1 file duy nhất, loại bỏ các khoảng trắng, ký tự thừa, hoặc kỹ thuật thay thế để làm giảm tối đa dung lượng các file js và css, cũng như giảm số lượng truy vấn tới máy chủ, từ đó nâng cao tốc độ tải trang cho WordPress. Để thực hiện kỹ thuật này, bạn có thể làm bằng tay, hoặc tốt hơn sử dụng một trong những plugin mãnh mẽ sau:
• WP Minify – nén cả HTML, CSS, JS, có tùy chọn không nén những file cụ thể để tránh tình trạng xung đột.
• Better WordPress Minify
• W3 Total Cache – ngoài chức năng tạo bộ nhớ đệm, tích hợp thêm Minify.
b. Không sử dụng @import với CSS
Có rất nhiều theme sử dụng @import những file CSS khác, điển hình là import Google Fonts hoặc import style.css từ parrent theme trong file CSS của child theme. Tuy rất nhỏ nhưng không phải ai cũng để ý. Do đó, bạn nên loại bỏ tất cả những @import này bằng cách sử dụng những phương pháp khác.
c. Đưa CSS lên đầu, Js xuống dưới
Theo nghiên cứu của các nhà phát triển từ Yahoo! thì việc đưa file CSS lên phần head và đưa các file javascript xuống trước thẻ đóng </body> sẽ cải thiện tốc độ website của bạn. Tuy nhiên, với những file javascript ảnh hưởng tới bố cục bao quát toàn trang thì bạn không nên đưa xuống dưới, bởi khi chưa load hết người dùng sẽ thấy giao diện website bị vỡ.
d. Sử dụng Defer/Async cho file javascript
Defer và Async là những thuộc tính được thêm thẻ script như sau:
<script src=”file.js” defer></script>
<script src=”file.js” async></script>
Các bạn theo dõi hình dưới để hiểu cách thức hoạt động của hai thuộc tính này.
Có thể tóm gọn như sau:
• không dùng defer/async thì mã script sẽ được thực thi đồng thời với việc load website;
• async sẽ cho phép mã script thực thi không đồng bộ với việc load website;
• defer cho phép mã script thực thi ngay sau khi website load xong.
6. Tối ưu hóa hình ảnh
Hình ảnh làm phong phú, trực quan thêm cho website nhưng cũng là phần nặng nhất của trang web, đặc biệt là những site ảnh thì việc tối ưu hóa hình ảnh giúp tăng tốc website WordPress một cách đáng kể. Bạn đã tối ưu hình ảnh cho website của mình như thế nào? Mình xin nêu ra đây một số phương pháp để các bạn tham khảo.
a. Tối ưu hóa hình ảnh tự động với plugin Smush.It
Bạn có thể nén/giảm dung lượng ảnh thủ công từ trên máy tính của mình, nhưng có một cách hay hơn là dùng plugin WP Smush.It, giúp tiết kiệm thời gian, công sức rất nhiều. Mỗi lần bạn upload ảnh lên host thì Smush.It sẽ tự động nén, tối ưu hóa hình ảnh cho bạn. Còn nếu trên host có hình ảnh trước khi cài đặt WP Smush.It, bạn hãy vào Media, chọn tất cả hình ảnh, và Bulk Smush.It trong mục Action. Hình ảnh trên host sẽ được tối ưu.
b. Lazy Load
Lazy load giúp delay load hình ảnh, chỉ khi người dùng kéo xuống, hình ảnh mới từ từ hiện ra, rất đẹp mắt. Và đây là một cách tăng tốc khá hữu hiệu cho WordPress, đặc biệt là site ảnh. Tính năng này được mình giới thiệu chi tiết tại bài viết Tăng tốc WordPress với Lazy Load.
7. Tối ưu Database
Sau một thời gian sử dụng, Database của bạn sẽ phình do có thêm nhiều dữ liệu, trong đó có cả “rác” gây nên tình trạng ì ạch cho website. Do đó, bạn hãy dọn dẹp và tối ưu database thường xuyên bằng cách sử dụng một trong những plugin sau
• WP Optimize – dọn dẹp tối ưu tự động theo lịch (2 tuần/lần) – nên dùng
• Yoast Optimize DB
• WP DB Manager
Ngoài ra, để tiết kiệm dung lượng cho database bạn cũng nên tắt hẳn, hoặc giới hạn số lượng Revisions bài viết, mình thường để là 3, bằng cách thêm dòng sau vào cuối file wp-config.php
define( ‘WP_POST_REVISIONS’, 3);
8. Sử dụng CDN tăng tốc WordPress tối đa
CDN hay Content Delivery Network là hệ thống máy chủ được đặt ở nhiều nơi khác nhau trên toàn thế giới, chứa bản sao nội dung website trong hệ thống và khi người dùng truy cập vào website, nó sẽ sử dụng các bản sao trên máy chủ gần nhất thay vì phải tải nội dung gốc từ website. Lợi ích thấy rõ là tăng tốc độ website đáng kể, bên cạnh đó, CDN còn giúp tiết kiệm băng thông cũng như giảm tải cho host của bạn. Thật tuyệt vời phải không nào?
Lời kết
Trên đây là tổng hợp những cách giúp bạn tăng tốc WordPress toàn diện. Hãy làm thử và kết hợp các cách để đạt được hiệu quả cao nhất. Tùy vào website của các bạn, theme bạn đang sử dụng, những plugin nào có trong site của bạn mà có những cách kết hợp tối ưu tốt nhất. Chúc các bạn thành công !